DỰNG MÔ HÌNH “KHỈ ĐỘT” Ở HỒ GƯƠM Ý TƯỞNG CHỈ CÓ Ở NHỮNG KẺ NGÁO ĐÁ.
Ngày 3-3-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch có văn bản gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc dựng mô hình giới thiệu phim “Kong: Skull
Island” (Kong: Đảo đầu lâu) để quảng bá du lịch. Công văn nêu rõ: “Sẽ dựng phối
cảnh 3D cảnh bộ phim tại một điểm nổi bật trên phố đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm
đế người dân Thủ đô và khách du lịch chụp ảnh lưu niệm và trải nghiệm những
công nghệ chụp ảnh mới vói mô hình và các trò chơi thú vị. Tại điểm này, có đặt
bàn tài liệu quảng bá du lịch Việt Nam và giới thiệu du lịch Hà Nội (do Sở Du
lịch Hà Nội hỗ trợ cung cấp nội dung về Hà Nội). Thời gian thực hiện từ ngày
5-3-2017 đến ngày 5-4-2017. Địa điểm đề xuất là khu vực Tượng đài Cảm tử cho Tố
quốc quyết sinh (phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm)”.
1- Ý kiến của những nhà nghiên cứu kiến
trúc, sử học, Hà Nội học.
Thật hết chỗ nói cho cái ý tưởng rồ dại
này ! Tôi xin dẫn ra đây những phản biện của một số học giả:
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch
Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hà
Nội cho rằng: “Khu vực xung quanh hồ Gươm là không gian công cộng văn hoá
truyền thống, mang đậm dấu ấn của người Hà Nội. Ngay cả thời kỳ chiến tranh,
người Pháp họ cũng không làm biến đổi cảnh quan. Vì vậy, bất cứ một động thái
nào ở khu vực này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng sao cho phù hợp với không gian
kiến trúc - một di sản cấp quốc gia đặc biệt. Có thể xem xét dựng mô hình 3D
khỉ Kong ở những vị trí khác như gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, gần Nhà
Hát Lớn. Tôi cho rằng nếu dựng thì cần phải hết sức cân nhắc thật kỹ vị trí và
thời gian đặt mô hình”.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, tác giả tiểu
thuyết “Quyên” đã cương quyết phản đối ý tưởng này. Ông cho biết: “Đất Hồ Gươm
là nơi quần thể văn hóa thiêng liêng. Chính thế, thời Nguyễn, Vua đã lệnh cho
Nguyễn Siêu quy hoạch, tạo nên quần thể văn hóa Hồ Gươm bây giờ. Nơi đây không
thể tùy tiện bầy biện. Nay lại mang quái thú ngoại lai làm ô uế chốn tôn
nghiêm. Như thế là không hiểu văn hóa Hà Nội”.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền, nhà
nghiên cứu di sản văn hoá cho rằng đề xuất dựng tượng 3D khỉ Kong cạnh khu vực
Tượng đài Cảm tử cho Tố quốc quyết sinh trên phố Đinh Tiên Hoàng là hoàn toàn
không phù hợp. “Đành rằng “Kong – Skull Island” là bộ phim có tác dụng quảng bá
du lịch Việt Nam nhưng Hồ Gươm là địa điểm hết sức nhạy cảm và là một trong
những bộ mặt văn hoá của dân tộc, của đất nước. “Kong – Skull Island” chỉ nên
dừng lại ở một bộ phim mà thôi. Văn hoá của mình khác, không thể cái gì cũng bê
về được kể cả là trong thời kỳ hội nhập. Những ý tưởng như làm “đại lộ danh
vọng” trước đây rồi đến dựng mô hình 3D khỉ Kong ở Hồ Gươm, tôi nghĩ với những
người yêu Hà Nội chân chính, đó là một nỗi buồn”
2- Và đây là ý kiến của tôi.
Không chỉ vấn đề văn hóa tâm linh đối
với những vùng đất thiêng của Hà Nội như vùng đất quanh Hồ Gươm mà còn nhiều
vấn đề khác mà những kẻ mưu toan đặt con quái thú “Kong” ở khu vực Hồ Gươm chắc
không thèm nghĩ đến.
Thứ nhất, khu vực mà các chuyên gia văn hóa du
lịch định đặt mô hình 3D con khỉ đột đó là khu vực tượng đài “Cảm tử cho Tổ
Quốc quyết sinh” cạnh đền Bà Kiệu, chỗ giao nhau giữa phố Hàng Dầu và phố Đinh
Tiên Hoàng. Việc đặt mô hình con khỉ đột ấy vào chỗ này là một sự xúc phạm
nghiêm trọng đối với hương hồn của hàng nghìn liệt sĩ, con em của Hà Nội đã lấy
thân mình cản xe tăng của giặc Pháp, đã lấy máu mình tô thắm cho ngọn cờ “Quyết
chiến quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong mùa Đông năm 1946-1947.
Đó là sự xúc phạm đến mức vô liêm sỉ và không thể tha thứ.
Thứ hai, “Con khỉ” trong văn hóa truyền thống
Việt Nam hoàn toàn khác với “Con khỉ đột” mà người ta định bày ra ở Hồ Hoàn
Kiếm. Hình tượng con Khỉ đã đi vào văn hóa Việt như một dấu ấn thân thương, gần
gũi và mang tính triết - mỹ - nhân văn. Đó là điều đáng tự hào, đáng suy ngẫm.
Đó là con khỉ/vượn trong dân ca Huế “Lý qua đèo”, dân ca Quan Họ Bắc Ninh “Ăn ở
trong rừng” và những điệu xẩm huê tình cũng nhắc đến Khỉ/Vượn với ý nghĩa tượng
trưng cho nỗi niềm thương nhớ da diết và cảnh vượt qua thâm sơn cùng cốc gian
nan.
Đó là con khỉ chầu bên cạnh pho tượng
Thiền sư Vạn Hạnh (đúc bằng đồng ở thời Lê - Nguyễn) thờ tại chùa Tiêu (Tương Giang,
Từ Sơn - Bắc Ninh) đã thể hiện được công phu Thiền định cao siêu của một Thiền
sư xuất sắc bậc nhất dòng Vinitaruci, người lập ra thế hệ thứ 12 dòng Thiền Nam
phương và cũng là vị cố vấn chính trị nổi tiếng hai triều Tiền Lê và Lý. Đó là
đôi Khỉ ôm nhau được tạo hình với kỹ thuật chạm nổi theo kiểu kênh bong mà nghệ
nhân xưa đã điểm xuyết hình tượng Khỉ cùng các linh thú khác trên các bộ cửa và
hệ thống cột ở đền Xám (Hồng Quang, Nam Trực - Nam Định), nơi thờ sứ quân Trần
Lãm (một trong 12 sứ quân thời Hậu Ngô-Tiền Đinh).
Đó là con Vượn (một loài Khỉ) là biểu
tượng cho không khí rừng núi hoang sơ khi Vượn ra mắt dâng cúng hoa quả: “Chim
gọi bạn, cắn hoa nâng cúng/Vượn bồng con, cời cửa nghe kinh”. Hay cảm thương
cho những cô gái mồ côi: “Khỉ bồng con lên non kiếm trái/Cảm thương nàng phận
gái mồ côi”
Cũng từ thực tế quan sát kỹ các động tác
leo trèo, chạy nhảy, săn bắt, hái lượm của loài Khỉ mà trong võ thuật, người ta
đã sáng tạo ra môn phái Hầu quyền. Môn phái đặc thù này đòi hỏi người sử dụng
phải phối hợp nhịp nhàng thân pháp, thủ pháp, cước pháp thật uyển chuyển, linh
hoạt, nhẹ nhàng, chủ yếu lấy nhu chế cương. Để có thân - thủ - cước phi phàm,
võ sĩ Hầu quyền phải học cả khinh công và khí công.
Qua đây, có thể thấy con khỉ (hay con
vượn) trong văn hóa Việt Nam truyền thống là con khỉ/vượn nhỏ bé, tinh khôn,
sống có tình có nghĩa, dùng mưu mẹo và lòng khoan dung để chiến thắng kẻ thù,
để làm bạn với con người suốt đời nay qua kiếp khác chứ không phải thứ khỉ đột
chuyên dùng sức mạnh cơ bắp với hình thù cổ quái, gớm ghiếc mà mấy “lều văn
hóa” sính “thịt da Tây bơ sữa Mỹ” rước cái của nợ ấy về từ phía bên kia bán
cầu.
Thứ ba, hình tượng con khỉ/vượn của văn hóa
Việt Nam phong phú, sinh động, nhân văn và thân thiết với người Việt Nam biết
bao nhiêu; sao không dung mà lại rước cái thứ “khỉ đột” của nợ ấy về làm gì ?
Phải chăng các nhà làm văn hóa Việt Nam đã mất hết cội nguồn dân tộc ? Phải
chăng trong tâm thức của họ, luôn ám ảnh câu nói của Nghị Quế: “Đồng hồ Tây có
bao giờ sai ?” Hay chỉ vì những đồng tiền kiếm được nhờ những thị hiếu tầm
thường của công chúng mà họ đã quên đi vai trò của họ là đem đến cho đất nước
này một nền văn hóa hiện đại nhưng phải lành mạnh và đậm đà bản sắc dân tộc ?
Cuối cùng, tôi phải nhắc đến một kỷ niệm
từ thời kháng chiến chống Mỹ mà hầu như tất cả những “Anh bộ đội Cụ Hồ” thời đó
đều còn nhớ. Đó là lính Mỹ được bộ đội ta gọi là "khỉ đột" ! Bất cứ
một người lính nào đã sống, chiến đấu ở cái thời đạn bom ác liệt mà con người
khi vào trận là nắm chắc 9 phần chết, 1 phần sống ấy đều biết đến câu cửa
miệng: “Bọn khỉ đột Mỹ” ! Những ai còn nghi ngờ điều này hãy xem lại một bài
báo từ thời đó: “Mìn thối của 3 chú bé”. (http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi…)
Con khỉ đột mang tên “Kong” là sản phẩm
của văn hóa Mỹ, một thứ văn hóa thô bạo, chuyên dùng sức mạnh mà lại là một thứ
sức mạnh mù quáng. Cho dù những nhà làm phim “Kong – Đảo đầu lâu” hay “King
Kong” cố sơn phết cho con khỉ đột ấy những màu sắc nhân văn nào đó nhưng mặc dù
to xác, con khỉ đột ấy vẫn thua kém con khỉ, con vượn trong văn hóa Việt Nam
một trời một vực.
Cũng cần phải nói đến sự thận trọng của
Sở Văn hóa Hà Nội trong việc chưa chưa đồng ý dựng mô hình giới thiệu phim Kong
tại Hồ Gươm. Nhưng tôi cũng nói luôn rằng tốt nhất là không được dựng mô hình
con khỉ đột ấy ở khu vực Hồ Gươm. Bởi vì di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh
hồ Hoàn Kiếm đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9-12-2013. Theo quy định hiện hành thì tại
những di tích quốc gia đặc biệt không tổ chức các hoạt động mang tính chất
quảng cáo, giới thiệu sản phẩm.
Và nhân đây tôi cũng phải nhắc lại một
quan điểm là: NGƯỜI PHƯƠNG TÂY ĐẾN VIỆT NAM ĐỂ XEM TA CÓ CÁI GÌ HAY HƠN HỌ,
KHÁC HƠN HỌ, ĐỘC ĐÁO HƠN HỌ CHỨ KHÔNG PHẢI HỌ ĐẾN ĐỂ XEM TA BẮT CHƯỚC HỌ GIỎI
NHƯ THẾ NÀO.
DỰNG MÔ HÌNH “KHỈ ĐỘT” Ở HỒ GƯƠM Ý TƯỞNG CHỈ CÓ Ở NHỮNG KẺ NGÁO ĐÁ.
Reviewed by Sân Đình
on
06:00
Rating:

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét