DÉP TỔ ONG MẠN ĐÀM
Dép tổ ong đầu tiên mềm như cao su nên
từ xưa vẫn hiểu lầm nó làm từ cao su tự nhiên, nhưng không phải, tìm hiểu ra
thì:
Sau giải
phóng miền Nam, Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong lâm vào cảnh khốn khó chưa từng thấy.
Nguyên liệu chỉ được cấp chừng 50%, điện năng bị cắt giảm tới 70%. Nhà nước
không còn giao kế hoạch, những mặt hàng truyền thống Êke, bóng bàn, tăng nhựa,
khuy áo quốc phòng... “coi như chết hết”. Ngay cả đôi dép nhựa
trắng - thời đó hay gọi là đôi "móng" - cũng chỉ làm cầm chừng, một nửa
nhà máy đói việc.
Giám đốc
hồi đó là ông Phạm Đức Chất đốc thúc phòng Kế hoạch tìm cách xoay trở, và đôi
dép tổ ong huyền thoại, hồi đó gọi là dép xốp quai liền, ra đời theo cái cách
thức không giống ai. Đôi dép tổ ong huyền thoại ngót 40 năm qua vẫn chạy tốt có
lẽ bởi thứ kiểu dáng trung tính bất phân nam phụ lão ấu không hề lỗi mốt và một
màu sắc cười khẩy với thời gian.
Chả ai
chê dép tổ ong là cũ bởi ngay khi sinh ra nó đã cũ rồi. Kỹ sư hóa Nguyễn Quang
Dũng và họa sĩ Hoàng Kim Đan, những bậc tiền bối của ngành nhựa Hải Phòng, là
cha đẻ của đôi dép tổ ong trong cái thời khó khăn ấy.
Đáp lại
sự đốc thúc của Giám đốc, họ mày mò trong đống khuôn mẫu cũ của Trung Quốc,
ghép với những khuôn mới từ trong Nam đưa ra với quyết tâm có một sản phẩm mới
thay thế cho những đôi dép cao su “Lội nước mất dép” mà phải rẻ hơn dép nhựa trắng.
Nó đơn giản đến không ngờ: Sau khi nhựa hóa trên vít xoắn kết hợp với ép
piston, nhựa từ bình tích được phun vào một khuôn được gông chặt bên dưới. Đôi
dép được làm nguội tự nhiên bằng không khí, tỉa qua chút ba-via và xỏ ngay vào
chân, đi luôn. Thị trường đón nhận ngay lập tức nó có thể đi trong nhà hoặc
ngoài đường, trung tính, dép nam hay nữ chỉ phân biệt bởi cỡ, rất nhẹ và quan
trọng nhất là nó không sợ nước, nó nổi trên nước.
Chỉ ngay
sau đó, thị trường xuất hiện hàng nhái, thứ hàng từ các lò thủ công mà họa sĩ
Đan gọi là “dép nướng chả”. Sau ngót 40 năm, những cha đẻ của đôi dép tổ ong
năm ấy vẫn tiếc hùi hụi. Thuộc về phân khúc bình dân, không ai nghĩ tới việc
đóng logo cho đôi dép ấy cả. Một chữ "Tiền Phong như đôi "móng"
cũng không. Chuyện đăng ký bản quyền, xác nhận thương hiệu tới tận những năm
2000 mãi sau này mới có.
Kỹ sư
Nguyễn Quang Dũng hồi đó là người kiểm tra công thức và ông vẫn nhớ: 6 phần hóa
dẻo; 2% hóa chất tạo xốp; 3% chất ổn định, carbonat canxi để tạo cứng... Đó là
một công thức tạo ra đôi dép xốp, êm, có "mũi thở" trong phần đế tưởng
như đúc liền một cục.
DÉP TỔ ONG MẠN ĐÀM
Reviewed by Diệp Hoa
on
03:55
Rating:

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét