DI TÍCH LỊCH SỬ HOÀNG NGHIÊU SƠN, TOÀ THÀNH ĐÁ HÙNG VĨ
Hoàng Tuấn Phổ
Bài viết của Cụ Hoàng Tuấn Phổ về di tích lịch sử Hoàng Nghiêu Sơn, nhắc khéo những nhà quản lý cần biết trân trọng những giá trị lịch sử.
Nằm ở giáp giới ba huyện: Nông Cống, Đông Sơn
và Quảng Xương, Hoàng Nghiêu Sơn làm tiền án cho ngàn Nưa - núi Nưa... Theo tài
liệu cũ, Hoàng Nghiêu Sơn dài gần 10 dặm, nhiều ngọn cao thấp nhấp nhô quây
quần bên nhau họp thành gia đình núi soi bóng lung linh xuống sông Hoàng Giang,
tựa như non trong lòng nước, nước ôm lấy non, cũng xứng danh chốn non nước hữu
tình.
Một đoạn thành đá tự nhiên
Phía tây Hoàng Nghiêu Sơn, tựa lưng vào chân
núi, liên tiếp các làng thuộc Nông Cống: Đại Bằng Tộc, Thái Bình, Nham
Cát, Hồi Cù, Yên Mỗ,... Trong quần thể Hoàng Nghiêu Sơn, nhiều hòn núi có tên
và không tên, nhân dân địa phương chỉ còn nhớ: Mũi Bạc, Hang Hầm, Động Cũ,
Thung Giếng, Thung Thuyền, Thung Táo, Động Đốt Than, Núi Nghè, Thung Dài, Đá
Bạc, Ba Bò, Thung Quýt, Hang Vàng, Hang Kham, Núi Cấm, Núi Am, Hang Hến, Động
Từ Thức,... Ngọn núi cao nhất 276m.
Khoảng năm 1415, tướng quân Nguyễn Chích người
làng Vạn Lộc, huyện Đông Sơn, đã xây dựng căn cứ Hoàng Nghiêu Sơn để khởi nghĩa
chống quân Minh xâm lược và đô hộ. Nguyễn Chích đắp thành Hoàng Nghiêu, xây đá
nối các ngọn núi Mũi Bạc, Đá Bạc, Ba Bò, Thung Thuyền, Thung Giếng, Thung Táo,
Thung Dài, Núi Cấm, Núi Am,v.v... tạo thành tòa thành đá hùng vĩ có một không
hai trong lịch sử đấu tranh chống xâm lược của dân tộc Việt Nam. Rất tiếc tòa
thành đá thiên tạo và nhân tạo trải qua mưa gió thời gian sáu, bảy trăm năm
không đủ sức chống đỡ để tồn tại mãi. Nhưng sau 1945 vẫn còn lại một số đoạn
tường thành làm chứng lịch sử. Nhiều đoạn tường thành dẫu bị hủy hoại, các móng
đá dường như bất diệt, trường thọ cùng núi đá.
Thành đá Hoàng Nghiêu Sơn của tướng quân
Nguyễn Chích là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo trong kiến trúc xây dựng thành
đá dựa vào thiên nhiên, lợi dụng một công trình núi non hùng vĩ của tạo hóa để
thay sức người hữu hạn trong thế giới vô hạn. Thành xây chủ yếu bằng đá xếp
“Hòn trên đè hòn dưới, hòn dưới chống hòn trên”, tạo nên thế vững chắc. Những
hòn tảng, viên đá này chủ yếu thiên nhiên đã tạo tác sẵn, con người chỉ lựa
chọn xếp đặt chúng lại, nếu cần gia công chút ít... Đó là chỗ khác với thành
Tây Đô. Bởi vậy, sức lâu bền của tường thành này có hạn, nếu không được thường
xuyên giữ gìn, tu bổ
Cửa thành đá Hoàng Nghiêu Sơn mở hướng Đông; lấy sông rộng dòng
sâu làm hào, nghĩa quân ra vào chủ yếu bằng thuyền nan và Thung Thuyền là một
kho thuyền lớn nhỏ xếp đầy hang chuẩn bị cho hành quân xa. Các thung lũng được
vỡ đất cấy lúa trồng màu, tự túc phần nào cho nghĩa quân, phòng tiếp tế lương
thực khi bị khó khăn do nguồn cung cấp từ làng gần xóm xa.
Hoàng Nghiêu Sơn bị phá đá để nung vôi
Năm 1418, Nguyễn Chích nghe tin Bình Định
vương dựng cờ khởi nghĩa ở núi Lam, liền tìm đến yết kiến chủ tướng, tôn phò họ
Lê làm minh chủ, nguyện đi theo. Nhưng Nguyễn Chích nghĩ thế đất Lam Sơn rộng
sâu mà không hiểm trở, e giặc đem đại binh vây đánh, khó bề chống giữ, nên xin
làm một tiền đồn bảo vệ mặt Nam cho Lam Sơn. Cho nên, ông vẫn ở căn cứ Hoàng
Nghiêu Sơn, được Lê Lợi phong chức Đô đốc đại phủ quân, tổng quản quân dân,
Tước quan Nội hầu.
Tướng giặc Lương Nhữ Hốt chia quân quấy phá
vùng Đông Sơn, Quảng Xương, Nông Cống, hòng cắt đứt nguồn tiếp tế của nhân dân
cho nghĩa quân Hoàng Nghiêu Sơn rồi xiết chặt dần vòng vây buộc Nguyễn Chích
phải ra hàng, nếu không, tất bị chết đói. Nguyễn Chích biết âm mưu địch, liệu
thế mình tiến thoái lưỡng nan, nghĩ cách truyền tin báo hiệu. Binh pháp xưa đã
dạy cách truyền tin gần dùng trống, truyền tin xa đốt phân chó sói khói bốc lên
cao làm tín hiệu. Hai cách truyền tin này được Đặng Trần Côn miêu tả rất hay
trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, Đoàn Thị Điểm dịch:
Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt
Khói cam tuyền mờ mịt thức mây.
Nghĩa quân Hoàng Nghiêu Sơn mang “đại cổ”
(trống lớn) lên thành đá thay nhau đánh ngũ liên, âm thanh vang trời và nhóm
phân súc vật đốt khói xông tận chín tầng mây. Bà Nguyễn Thị Bành vợ Nguyễn
Chích ở Vạn Lộc biết ngay nghĩa quân Hoàng Nghiêu Sơn đang bị bao vây bốn phía,
không cách gì thoát ra được. Bà Bành liền kêu gọi chị em phụ nữ quê nhà, những
làng xã gần xa quanh Vạn Lộc (Đông Sơn). Họ lấy giải yếm làm cờ, câu liêm, nọc
chuột, dao phay, đao rựa... làm vũ khí, tập hợp thành đội quân năm, sáu trăm
người. Đoàn quân váy vận, yếm mang, tiến bước trong đêm, bước chân rầm rập dội
vào vách núi Xích Lộ. Dưới ánh sao đêm mờ tỏ, giặc nhận ra ngay một đoàn người
đông nghịt, giáo gươm tua tủa, cờ xí rợp trời, khí thế chuyển đất, báo ngay cho
chủ tướng biết. Lương Nhữ Hốt bị bất ngờ, hoảng sợ, nghĩ rằng quân cứu viện Lam
Sơn đã tới, trong đánh ra, ngoài đánh vào, tất quân Minh bị dồn ép vào giữa khó
bề cựa quậy...
Nhữ Hốt buộc phải ra lệnh rút, quân giặc hốt
hoảng, mạnh ai nấy chạy... Nghĩa quân Hoàng Nghiêu Sơn cùng nữ binh bà Bành
phối hợp truy kích địch. Lương Nhữ Hốt rút về đồn Cổ Vô, bị nghĩa quân bao vây
phá đồn, phải cố sống cố chết chạy trốn thoát vào thành Tây Đô (thành Nhà Hồ).
Toàn quân Nguyễn Chính đại thắng. Giặc dùng
tiền bạc, quan chức dụ dỗ ông về với triều đình nhà Minh, Nguyễn Chích đều từ
chối. Ông nghĩ lực lượng mình yếu, đóng giữ một tòa thành đá cô đơn, khó phát
triển, dễ bị bao vây, bàn với tướng sĩ đem toàn bộ nghĩa quân gia nhập đại quân
Lam Sơn binh hùng tướng giỏi. Thời điểm ấy là 1420, Lê Lợi đang đóng quân ở
miền rừng núi Mường Nanh, rất vui mừng, cho Nguyễn Chích giữ chức Thiết đột Hữu
vệ đồng Tổng đốc chư quân sự, tức một đạo quân tiền phong xung kích của nghĩa
quân Lam Sơn. Trong thời gian chiến đấu, Nguyễn Chích luôn luôn đi đầu, xông
pha nơi lửa đạn, lập nhiều chiến công được Lê Lợi thăng chức Nhập nội Thiếu úy,
một tướng lĩnh cao cấp trong nghĩa quân Lam Sơn.
Đến năm 1423, sau 5 năm dựng cờ đại nghĩa,
nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần thắng thua, vô cùng gian khổ, không thể phát triển
được, cứ phải quanh quẩn miền rừng núi thượng du Thanh Hóa. Lê Lợi cùng bộ tham
mưu bàn bạc mãi vẫn thấy bế tắc, không tìm ra lối thoát.
Ngày 20 tháng 9 năm Giáp Thìn (1424) Lê Lợi
họp các tướng lĩnh cao cấp trong nghĩa quân hỏi: “Nay chúng ta nên đến xứ nào
để mưu đồ việc nước?”.
Nguyễn Chích trong thời gian dài đóng quân ở
Hoàng Nghiêu Sơn, vẫn thường xuyên ra vào hoạt động vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ,
hiểu rõ từng đồn lũy thành trì giặc Minh trên đất Nghệ An, nhưng chỉ đột kích
quấy rối, tiêu hao quân địch, chưa đủ sức tiêu diệt chúng, lấy chỗ đứng chân,
tạo thế bàn đạp tiến ra Bắc đánh chiếm Thăng Long, giải phóng Đông Đô... Bây
giờ Bình Định vương hỏi phương hướng tiến quân đến xứ nào để mưu đồ việc nước,
Nguyễn Chích thưa rằng: “Hạ thần thường qua lại đất Nghệ An nhiều lần nên có
biết những nơi hiểm yếu trong tỉnh ấy. Nay xin dẫn quân vào trại của Cầm Bành ở
Nghệ An, hễ y hàng thì ta phủ dụ, nếu y không hàng thì ta đánh lấy trại ấy làm
căn bản, rồi từ từ tính việc lấy lại Đông Đô. Như vậy việc nước có thể thành
được”.
Lê Lợi cho lời bàn của Nguyễn Chích là phải,
bèn chia quân tiến vào Nghệ An. Từ đó, Lê Lợi đánh đâu thắng đó, Cầm Bành bị
giết, các tướng Minh đều thua chạy, ta giải phóng thành Nghệ An, rồi chuẩn bị
lực lượng tiến quân ra Bắc. Năm 1427, Nghĩa quân Lam Sơn toàn thắng, năm 1428,
Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, sau khi quét sạch giặc Minh xâm lược, thu phục giang
sơn, giải phóng dân tộc tiến tới xây nền độc lập... Công lao ấy, Nguyễn Chích
và nghĩa quân Hoàng Nghiêu Sơn xứng đáng ghi tên bảng vàng, chép vào sử xanh,
tạc lên bia đá lưu truyền mãi muôn đời ...
Di tích lịch sử Hoàng Nghiêu Sơn chưa được quan tâm đúng mức bảo tồn, tôn tạo, phát huy xứng tầm một di sản quốc gia. Chúng ta đã có động Bích Đào, càng nên biết hang Từ Thức ở đây chép tiếp thiên tình sử diễm lệ và bi thương của Từ Thức – Giáng Hương. Sau khi mối duyên tiên trần đứt gánh, Nguyễn Dữ - tác giả Truyền kỳ mạn lục nổi tiếng chép rằng: Từ thức đội nón lá, tự chèo thuyền nan theo dòng nước biếc đi vào núi Hoàng Nghiêu Sơn. Nhưng sông Hoàng Giang đâu phải lạch suối Đào Nguyên. Cũng không có vườn đào, chỉ thấy rừng lau thưa phơ phất trắng bạc màu hoang dã, dẫn lối vào nhiều hang động. Hang Từ Thức đường vào nhỏ hẹp dần rồi phình to ra hình quả bầu. Chúng ta lần bước đi vào hang động này phát hiện răng thú, mảnh gốm, dấu vết bếp nấu... của ẩn sĩ Từ Thức chăng? Hang Lòn lại có am Tiên, voi đá, rùa đá chầu chực, giường đá, bàn cờ tiên... Hang Con Trâu có động Châu Nghĩa, nơi hội họp của nghĩa sĩ Hoàng Nghiêu Sơn... Chùa Nghiêu Sơn Động Thiên Tự trong một cái hang... Và khó kể hết vô vàn các hang kỳ lạ lớn nhỏ: hang Hón Mong, hang Ông Dài, hang Sao Sa v.v... Thung Táo nghĩa quân đặt bếp nấu. Thung Đình nơi làm việc của chủ tướng Nguyễn Chích... Riêng động Nham Cát rộng chừng vài chục mẫu ta, bà con nông dân làng Nham Cát cày cuốc đôi khi nhặt được tiền ngũ thù, đồ gốm cổ, đồ đồng thời Đông Sơn...
Di tích Hoàng Nghiêu Sơn chứa nhiều tầng lớp
văn hóa cổ chồng chất. Sông Hoàng Giang còn có đặc sản hến vàng, vỏ vàng, ruột
vàng, người xưa đã mò ăn, bỏ vỏ đầy Hang Hến... Nghe nói loại hến này ăn đặc
biệt ngon.
Đá núi Hoàng Nghiêu Sơn là đá vôi, vân đá
nhiều màu đẹp, lấp loáng khi ánh bình minh lên và sáng tươi lúc nắng chiều tà,
thêm vẻ đẹp cảnh quan di tích...
Nguyễn Viết Hoành (1741 – 1800) tác giả Văn
Đỉnh thi tập có thơ Vịnh thành Lê Chích (Chích họ Nguyễn được tứ quốc
tính mang họ Lê Lợi):
Sức người hợp sẵn thợ trời xây
Lê Chích thành xưa phải chốn này?
Sóng vỗ sườn non hồi súng nổ,
Gió lùa ruộng cỏ lá cờ bay.
Canh phòng khuya sớm tiều vài lũ,
Do thám trong ngoài lái mấy tay.
Hoàng thủy Nghiêu Sơn ghi tích cũ,
Thành Lê cập đệ sánh đâu tày?
Ngày nay người ta khai thác đá núi Hoàng
Nghiêu mới thật rầm rộ, xe xe ngựa ngựa tấp nập ngày đêm như đại công trường.
Tiếng mìn phá đá ầm ầm vang rền gấp bội tiếng “trống trường thành”, khói lò vôi
bốc lên ô nhiễm cả bầu trời diễn lại cảnh binh đao “khói cam tuyền mờ mịt thức
mây”! Chúng ta đã phụ lòng khách du khảo, du lịch gần xa đến đây vì một di tích
lịch sử quý giá trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đang bị biến dạng để rồi sẽ
biến mất trên cõi đời trần thế, nếu không được kịp thời bảo tồn và tôn
tạo(***).
DI TÍCH LỊCH SỬ HOÀNG NGHIÊU SƠN, TOÀ THÀNH ĐÁ HÙNG VĨ
Reviewed by Diệp Hoa
on
01:57
Rating:

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét