Có hay không hành động đang làm nhục Quốc thể của một cựu sinh viên?

Mấy ngày hôm nay, mạng xã hội nổi lên việc tranh luận về trang phục áo dài: một bên thì nói đó là áo dài Việt Nam cách tân, một bên thì nói đó là trang phục Trung Quốc. Blog Sân Đình xin đăng bài viết của tác giả Hoàng Nguyên Vũ để bạn đọc cùng tham khảo:
“ĐỪNG LÀM NHỤC QUỐC THỂ BẰNG VÁY ÁO HÀNG CHỢ 100% TRUNG QUỐC CỦA BẠN NỮA
Hôm qua, tôi chỉ nghĩ đơn thuần là một bộ đồ xấu và mix vô lý, nhìn ở góc độ thẩm mỹ thời trang và tỏ rõ thái độ của mình với điều đó. Hôm nay tôi tá hoả khi nhiều bạn bè chia sẻ bức ảnh về cái bộ đồ mà nhiều bạn trẻ mặc Tết vừa rồi đi ngập các đường hoa: té ra là trang phục của Trung Quốc 100% (xem bức ảnh đính kèm). Các bạn cứ so sánh với bộ đồ mà 3 cô gái kia mặc tràn ngập các trang mạng quảng cáo, xem có khác gì không?


Đây là một trong những trang phục Xuân hè của Trung Quốc năm trước, những kẻ buôn bán quần áo không có tâm đã mua hàng lô về, tự xưng là "áo dài cách tân", bán tràn lan trên mạng và mua bài PR ở một số trang mạng để bán được nhiều hàng.

Vâng, chuyện chẳng có gì to tát và chúng ta cũng không nên mang tư tưởng dân tộc hẹp hòi nếu nó chỉ là một bộ đồ thông thường. Nhưng khi xưng đó là "áo dài cách tân" và bán cho các nữ tú mặc đi chơi Xuân rợp các đường hoa cho có "tính dân tộc" thì quả là một điều kinh khủng. Điều này đã xúc phạm quốc phục và làm nhục quốc thể.
Các bạn nên nhớ, áo dài là quốc phục. Mà quốc phục thì không phải đơn giản là "váy áo đàn bà" như cách các bạn thiển cận nghĩ. Và quốc phục là một giá trị lớn, là một phần giá trị của quốc thể, các bạn không thể mang một thứ hàng chợ của nước khác về đây và gọi nó là "quốc phục cách tân". Các bạn không được phép và nếu các bạn còn nhơn nhở như thế, các bạn là kẻ đã bán nước một cách hồn nhiên và ngu xuẩn.
Cô gái thứ 3 (bên phải) trong bức ảnh dưới, bức ảnh mà người ta nói tại sao tôi không che mặt, có tên Facebook là Mai Kul. Trong khi tranh luận trong stt của tôi, cô khoe cô "bán cả nghìn cái áo dài cách tân". Có nghĩa là, Mai Kul là một trong những người đã đưa thứ trang phục này về bán cho các cô gái đi chơi Xuân và đánh tráo khái niệm là "áo dài".
Thật đau lòng, Mai Kul là một cựu sinh viên Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, hình như khoa Quốc tế học. Nếu chỉ là một người buôn bán bình thường, tôi sẽ không đề cập. Nhưng một trí thức có chữ có nghĩa mà làm cái việc này, thật không còn gì để nói. Thẳng thắn là: Mai Kul đã khiến cho cả ngàn người khoác lên người bộ váy áo của Trung Quốc và gọi nó là quốc phục của Việt Nam!
Tấm ảnh này xuất hiện trong một bài PR để bán những bộ váy nguỵ tạo khái niệm này và Mai Kul đóng vai là nhân vật quảng cáo cho việc "bán nước hồn nhiên" ấy.
Thưa các bạn: Thay vì các bạn chửi bới về việc "sao lại đi quan tâm váy áo phụ nữ" thì bây giờ các bạn hãy mở mắt ra mà xem cho rõ mình đang mặc cái gì trên người và mình đang hồn nhiên xúc phạm đến quốc phục như thế nào.
Và thật buồn, không ít các cô gái là những sinh viên trường RMIT, một số trường quốc tế và không ít đang là những trí thức, không chịu tìm hiểu mình đang mặc gì mà lại vào chửi tục, nói năng vô lễ (mà gọi dân giã là rất mất dạy). Chẳng biết các em giỏi cỡ nào, thẩm mỹ ra sao nhưng ngôn ngữ như thế thì đáng buồn cho một bộ phận không nhỏ của thế hệ trẻ.
Giờ thì là lúc tôi để các bạn tự suy nghĩ về thứ mình đang mặc, cũng như câu chuyện "váy áo đàn bà". Tôi xin khép lại vấn đề gây tranh cãi những ngày qua ở đây và xin lỗi một số người đã tổn thương vì tôi. Tuy nhiên, từ đầu đến cuối, tôi vẫn giữ nguyên toàn bộ quan điểm của mình và chịu trách nhiệm với nó!
Lời cuối: Xin đừng làm nhục quốc thể vì "váy áo đàn bà" của các bạn nữa nhé!
P/s Hành động của tôi: Block tất cả những bạn bè nào mặc bộ đồ bán nước này và đưa tất cả các nghệ sĩ, người nổi tiếng nào mặc bộ này chụp ảnh vào black list của tôi. Trân trọng!”


Có hay không hành động đang làm nhục Quốc thể của một cựu sinh viên? Có hay không hành động đang làm nhục Quốc thể của một cựu sinh viên? Reviewed by Sân Đình on 12:31 Rating: 5

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Mấy hôm thấy các bạn tranh cãi về vấn đề áo dài cách tân mặc với váy đầm có kì dị hay không. Cá nhân mình cũng xin góp ý:
Xin truy nguồn xa hơn về thời cải cách ăn mặc của chúa Nguyễn Phúc Khoát năm 1744, khi đó chúa muốn thay đổi cung cách ăn mặc để sao cho người đàng trong khác với người đàng ngoài làm cơ sở để giành sự độc lập về sau. Từ đó mà hình thành lối mặc áo dài tay chẽn hay áo ngũ thân cổ đứng mà chúng ta thường biết:
"Chúa cho rằng lời sấm cổ có nói tám đời quay lại trung đô, tính từ thời Thái tổ (Nguyễn Hoàng) tới nay vừa đúng con số ấy, bèn thay y phục, đổi phong tục, cùng dân đổi mới, bắt đầu hạ lệnh cho nam nữ sĩ thứ trong nước, đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn, tục gọi quần chân áo chít bắt đầu từ đây. Trang phục nhà cửa đồ dùng hơi giống thể chế Minh Thanh, thay đổi hết cả thói cũ hủ lậu của Bắc Hà, thay đổi quan phục tham khảo chế độ các triều đại Trung Quốc, chế ra phẩm phục Thường triều, Đại triều, lấy làm mô thức, ban hành trong nước, văn chất đủ vẻ, trở thành nước áo mũ văn vật vậy" (Dã sử lược biên Đại Việt quốc triều Nguyễn thực lục)
Trong cuộc cải cách đó tuy không có ghi chép chi tiết hơn cũng đã xác nhận "quần chân áo chít được bắt đầu từ đấy". Như vậy lệ ấy ban ra chỉ áp dụng cho người đàng trong, còn người đàng ngoài và thời điểm trước khi có lệnh đó thì phụ nữ vẫn quen tục mặc váy.
Đến hồi vua Gia Long thống nhất đất nước thì mới áp đặt lối mặc của người đàng trong lên người đàng ngoài nhưng không thật cưỡng ép gay gắt. Về sau khi Minh Mạng lên ngôi, trong lần tuần du ra Bắc thấy thói tục người phụ nữ đàng ngoài mặc váy trông quá khác biệt cho rằng lối mặc thô bỉ, bầy hầy nên lại ra lệnh cấm phụ nữ mặc váy lần nữa. Dân đàng ngoài không thuận nên thành thử việc phụ nữ mặc váy vẫn còn mãi.
Riêng đối với cung cách ăn mặc của giới thượng lưu, mặc dù tuân thủ nghiêm ngặt quy chế vua ban, phụ nữ đều mặc quần nhưng họ lại kết hợp mặc một loại khác có hình dáng tương tự chiếc váy đó là thường. Trong những bộ đồ trang trọng mang tính chất lễ nghi thường không thiếu vắng việc quấn một chiếc thường ở lớp áo trong.
Chiếc thường được thêu họa tiết rất đẹp và phối những sắc màu rực rỡ, tà của thường thì phải dài lộ ra dưới lớp tà áo ngoài nên thoạt trông không khác gì mặc váy vậy.
Ngày nay lối ăn mặc đã đổi mới, khác ngày xưa nhiều lắm. Người nay xem việc mặc váy không phải là tệ lậu mà còn tôn vẻ duyên dáng của nữ giới. Áo dài chít eo cũng là mẫu đã cách tân không còn tuân theo quy chế truyền thống, vì vậy việc các nhà tạo mẫu thử nghiệm các ứng dụng mới (thực ra là cũ) không có gì sai trái.
Việc một bạn nữ mặc trang phục cách tân từ mẫu bản địa lại đáng khen hơn những bạn nam ngại mặc áo ta ngay cả trong những dịp lễ cổ truyền, miễn sao mẫu thiết kế thẩm mỹ và phù hợp với thời đại mới và nếu kế thừa được những di sản thẩm mỹ của dân tộc thì đó lại càng tốt hơn.
Hình minh họa: một nữ nhân hoàng tộc mặc phụng bào với chiếc thường quấn quanh.

Liên hệ gửi bài đăng: [email protected] Được tạo bởi Blogger.